Nội Dung Bài Viết
Cách đặt tên công ty theo quy định của pháp luật
- Bài này tập trung vào việc phân tích cách đặt tên công ty theo đúng quy định của lật pháp hiện hành ở nước ta. Tuy nhiên để có thể chọn được cho doanh nghiệp của bạn một cái tên đẹp, mang nhiều ý nghĩa, và tiết kiệm được nhiều chi phí cho việc truyền thông marketing quảng cáo sau này, thì bạn cần phải đọc thêm một bài viết khác nữa.
Để nghiên cứu kỹ về cách đặt tên doanh nghiệp của bạn cho đúng, không những theo luật pháp mà còn theo phương diện ý nghĩa và truyền thông xin mời đọc bài viết sau:
Tên doanh nghiệp, là thứ mà bạn sử dụng để xây dựng thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ của bạn. Bạn sẽ dành cả cuộc đời của mình bao gồm, công sức, tiền của…, Cũng chỉ để xây dựng một cái tên thôi.
Có những cái tên như là Google, Facebook, Toyota, Amazon, Microsoft… Cho dù có bao nhiêu tiền bạc đi chăng nữa thì cũng không bao giờ có thể mua được. Những nhà sáng lập và điều hành các doanh nghiệp tỷ đô này nói là, nếu họ phải lựa chọn một trong hai, hoặc là chỉ lấy cái tên hoặc là lấy tất cả tài sản mà họ đang có, họ bảo sẽ chỉ lấy cái tên.
Đặt tên công ty tiếng Việt
Bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
1, Thành tố thứ nhất: Loại hình doanh nghiệp, tên loại hình doanh nghiệp được viết là:
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH”;
- Đối với công ty cổ phần, được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP”;
- Đối với công ty hợp danh, được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD”;
- Đối với doanh nghiệp tư nhân, được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN”;
2, Thành tố thứ hai, tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
- Tên riêng của doanh nghiệp không cần phải có nghĩa theo tiếng Việt, mà tên chỉ cần có các chữ cái được liệt kê trong bảng chữ cái tiếng Việt là được.
Ví dụ: Công ty TNHH (thành tố thứ nhất) Thương Mại Dịch Vụ Hoàng Đông (thành tố thứ hai). Hoặc Công ty Cổ Phần (thành tố thứ nhất) Dịch Vụ Trương Thanh (thành tố thứ hai).
Đặt tên công ty viết bằng chữ tiếng Anh được hay không?
Tất nhiên là được, và cần đáp ứng các điều sau:
* Tên công ty được viết được bằng chữ cái Latinh trong bảng chữ cái của Việt Nam, và chữ dùng trong viết tiếng Anh cũng nằm trong bảng chữ cái giống như bảng chữ cái tiếng Việt. Miễn sao không trùng, không gây nhầm lẫn với tổ chức doanh nghiệp khác là được.
Ví dụ:
- CÔNG TY TNHH NEWSSTAR,
- CÔNG TY TNHH HDAIE
- CÔNG TY CỔ PHẦN JONSON…
Cách đặt tên công ty bằng tiếng nước ngoài
*** Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Ví dụ tên công ty Tiếng Việt: Công ty TNHH Tư Vấn Đầu Tư Phong Trần. Khi dịch sang tên công ty bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh) tương ứng và giữ lại tên riêng như sau: Phong Tran Investment Consulting Company Limited.
- Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Cách đặt tên công ty viết tắt:
- Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
Ví dụ, tên tiếng Việt của doanh nghiệp: Công ty TNHH Tư Vấn Đầu Tư Phong Trần => Tên viết tắt của doanh nghiệp có thể đặt: Công ty TNHH TVDT PT.
Tên tiếng nước ngoài của doanh nghiệp: Phong Tran Investment Consulting Company Limited => Tên viết tắt của doanh nghiệp có thể đặt: PTIC Company Limited
Đặt tên công ty cần đơn giản dễ nhớ
*** Thông thường khi đặt tên công ty mọi người thường mong muốn có một cái tên công ty đầy đủ các chức năng và muốn thể hiện hết trên cái tên doanh nghiệp của mình.
Ví dụ như: “Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Xuất Nhập Khẩu Hoàng Gia”. Tuy cái tên này hay, đầy đủ chức năng, và cho biết được doanh nghiệp kinh doanh về ngành nghề gì. Tuy nhiên tên này hơi dài, khó nhớ cho khách hàng, người tiêu dùng, bạn có thể cân nhắc một cái tên khác.
Tuy nhiên nhất quyết đừng bao giờ để kiểu tên viết tắt chẳng hạn như Công ty TNHH SX TM DV XNK HG. Nếu để cái tên như thế này thà bạn để tên dài còn hơn, vì chẳng bao giờ có ai lai nhớ được cái tên như thế này bao giờ.
Khi người ta đọc “Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Xuất Nhập Khẩu Hoàng Gia” họ sẽ biết ngay cái tên đó rõ dàng và dành mạch. Còn cái tên “SX TM DV XNK HG” bạn nghĩ có ai biết mấy chữ viết tắt đó là gì hay không. Ngoài bạn và những người trong công ty của bạn thì bên ngoài chẳng ai biết và hiểu nó có ý nghĩa là gì cả.
Các trường hợp đặt tên công ty trùng
- Tên trùng là tên công ty tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó. Tức là trong trường hợp này là tên công ty mình dự tính đặt giống hoàn toàn với tên của công ty khác đã đặt trước đó.
Các trường hợp đặt tên công ty gây nhầm lẫn:
*** Các trường hợp sau đây được coi là tên công ty gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:
- a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký trước đó;
- b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó;
- c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó;
- d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
- đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
- e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
- g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
Các trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e và g của khoản này không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký. Tức là các công ty con của công ty đã đăng ký có thể được theo quy định tại điểm d, đ, e, và g.
Cấm đặt tên công ty khi mở công ty hoặc thay đổi tên công ty trong các trường hợp dưới đây:
- Thứ nhất: Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 42 của Luật này.
- Thứ hai: Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
- Thứ ba: Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Cần nắm rõ được hai nguyên tắc tra cứu tên công ty sau:
- Nguyên tắc 1: Khi tra cứu chỉ nhập phần tên riêng của doanh nghiệp, không nhập phần loại hình doanh nghiệp.
- Nguyên tắc 2: Nếu tên riêng của doanh nghiệp dự tính đặt có các chữ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” ; “Tân” ; hoặc từ có ý nghĩa tương tự như: Bắc, Nam, Trung, Tây, Đông, Mới, thì khi tra cứu phải bỏ mấy từ này đi để xác định được tên chính xác của doanh nghiệp.
Các bạn có thể tra cứu tên doanh nghiệp tại địa chỉ: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Ví dụ tra cứu tên doanh nghiệp sau: “Tân Hoàng Gia Phát Đại Phong”, đầu tiên áp dụng nguyên tắc 1; Chỉ nhập phần tên doanh nghiệp sau đó đợi kế quả.
Tuy nhiên vì trong tên doanh nghiệp ở trên có chữ:“Tân” nên ta phải tiếp tục áp dụng nguyên tắc 2 để tra cứu tiếp: Chỉ nhập phần tên doanh nghiệp:“Hoàng Gia Phát Đại Phong”. Không nhập chữ “Tân” ở phía đầu. Khi đó trên hệ thống sẽ cho kết quả chính xác nhất.
Tên công ty phải được gắn ở đâu?
- Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên công ty phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Để chọn được một cái tên ưng ý, đẹp có ý nghĩa là cả một quá trình đầy phức tạp gian nan, bạn đừng nên coi thường việc này mới được. Ngoài việc đúng theo quy định của luật pháp thì cần phải đúng về các nguyên tắc của phương diện truyền thông, thương hiệu nữa, bạn đặt tên để kinh doanh kia mà.
Vì thế hãy đọc thật kỹ bài Nghệ thuật đặt tên công ty dưới góc nhìn truyền thông, marketing trước khi quyết định đặt tên công ty của bạn.