Nội Dung Bài Viết
Tất cả mọi thứ bạn cần biết về cây hoa hòe
*** Cây hoa hòe có rất nhiều tác dụng hay như cầm máu, giảm mỡ máu, kháng viêm, chống co thắt, chống loét, chống phóng xạ, chống tiêu chảy, điều trị các bệnh như cao huyết áp, sốt xuất huyết nhẹ, trĩ chảy máu, rong kinh,… Là loại cây rất phổ biến nhưng lại có rất nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh hãy cùng khám phá về loại cây này trong bài viết duới đây.
Cây hoa hòe là gì?
Hoa hòe còn được gọi với các tên khác như hòe hoa, hòe hoa mễ hay hòe mễ.
- Tên khoa học là Sophora japonica Linn.
- Thuộc họ nhà Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
- Người ta thu hái hoa hòe khi còn chưa nở về phơi khô hoặc sấy khô làm thuốc hoặc pha trà uống. Cũng có một số người dùng quả của nó.
Đặc điểm của cây hoa hòe
*** Cây hoa hòe thuộc nhóm cây to cao từ 5-10m. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, có từ 7-17 lá chét trên mỗi lá. Hoa hình cánh bướm màu vàng trắng, mọc thành từng bông. Quả là một giáp dài, đôi khi hơi cong. Giữa các hạt hơi thắt lại giống như quả đậu đen vậy. Hòe mễ ra hoa từ tháng 7-8-9.
Phân bố, thu hái và chế biến hoa hòe
* Cây hoa hòe trước kia mọc hoang, sau đó được trồng nhiều ở khắp các vùng nước ta, người ta sử dụng để làm trà uống cho mát hoặc làm nguyên liệu nhuộm màu vàng. Mỗi năm đến mùa, người ta thu hái số lượng lớn để cung cấp cho nguồn tiêu thụ trong nước, sau đó thừa lại chuyển sang xuất khẩu, do nhu cầu lớn nên bắt đầu được trồng nhiều hơn.
Có thể trồng cây hòe bằng cách dâm cành hoặc gieo hạt. Thời gian từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch mất khoảng 3-4 năm. Đây là cây sống lâu năm, nên các năm sau đó năng suất thu hoạch càng cao. Thời điểm thu hái tốt nhất là nụ vì có nhiều hoạt chất tốt. Mang về sấy hoặc phơi khô để bảo quản.
Thành phần hóa học của hoa hòe
- Hoa hòe chứa từ 6-30% rutozit (rutin), đó là một glucozit, khi thủy phân sẽ cho ra quexetola hay quexitin C15H10O7, ramnoza và glucoza.
Quả hòe cũng chứa rutin. Đây là một hợp chất có tinh thể hình trâm nhỏ màu trắng vàng hoặc vàng, tan trong 650 phần rượu, 10.000 phần nước, tan nhiều trong dung dịch kiềm và rượu metylic, không tan trong benzen và ete clorofoc. Việc tan trong dung dịch kiềm khiến vòng cromon bị phá, tạo ra dung dịch màu vàng, có tính chất không ổn định, có thể bị kết tủa khi cho thêm axit vào.
Công dụng dược lý của hoa hòe
*** Rutin chính là một loại vitamin P, có khả năng làm mao mạch gia tăng sức chịu đựng. P là chữ đầu của từ perméabilité tạm dịch là thấm. Ngoài rutin mang tính chất vitamin P ra, có một số chất khác cũng có tính chất đó nữa là hesperidin có trong vỏ cam, esculozit,….
Tác dụng chủ yếu của rutin là gia tăng sức chịu đựng của mao mạch. Trước kia người ta cho rằng nếu thiếu vitamin C sẽ khiến giảm sức chịu đựng của mao mạch, dễ bị đứt vỡ. Tuy nhiên gần đây người ta nghiên cứu ra rằng nếu thiếu vitamin P cũng có thể xảy ra các hiện tượng đó.
Tác dụng của cây hoa hè
*** Theo đông y, hoa hòe có vị đắng tính bình (còn quả vị đắng tính hàn). Hoa vào hai kinh là can và đại tràng, quả thì vào kinh can. Hoa tác dụng thanh chỉ huyết, thanh nhiệt, lương huyết. Quả cũng có tính chất tương tự hoa, dùng để chữa trĩ ra máu, xích bạch lỵ, phụ nữ băng huyết, máu cam, thổ huyết.
Trong dân gian, hoa hòe cũng được dùng làm thuốc cầm máu cho các bệnh đổ máu cam, ho ra máu, ruột chảy máu, tiểu tiện ra máu với liều lượng từ 5-20g mỗi ngày ở dạng thuốc sắc.
Rutin được điều chế thành thuốc viên, mỗi viên 0,02g dùng cho bệnh nhân cao áp huyết mà có mao mạch dễ đứt, vỡ, phòng chống xuất huyết cấp tính do viêm thận, đứt mạch máu não, xuất huyết phổi không rõ nguyên nhân. Liều dùng 3 lần một ngày, mỗi lần 2 viên.
Các bài thuốc từ hoa hòe
1. Hoa hòe chữa bệnh trĩ
*** Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở phần cuối trực tràng và hậu môn bị sưng và viêm. Đôi lúc lớp màng mạch máu căng quá mức khiến cho tĩnh mạch lồi ra khỏi hậu môn và gây khó chịu, nhất là khi đại tiện. Kem bôi, thuốc mỡ là những liệu pháp phổ biến nhưng các liệu pháp này thường chỉ làm dịu các triệu chứng khó chịu tạm thời thay vì chữa trị tận gốc bệnh trĩ.
Các hợp chất có lợi trong hoa hòe là một trong những chất bổ sung thảo dược rất tốt cho những người bị bệnh trĩ. Chẳng hạn như, chất troxerutin có đặc tính vận mạch và là một liệu pháp điều trị bệnh trĩ hiệu quả. Ngoài ra, oxymatrine trong hoa hòe cũng được biết đến là chất giúp giảm sưng liên quan đến các mạch máu suy yếu.
Cách dùng hoa hòe chữa bệnh trĩ có thể tác dụng hơi chậm. Nếu muốn dùng hoa hòe chữa bệnh trĩ thì bạn cần phải thật sự kiên trì kết hợp với chế độ dinh dưỡng và thói quen sống.
2. Hoa hòe tốt cho tim mạch
*** Hoa hòe không chỉ giúp thúc đẩy các mạch máu khỏe mạnh, nó còn thúc đẩy sức khỏe hệ thống tim mạch tổng thể. Ngoài ra, loại dược liệu này còn có thể hỗ trợ nhịp tim bình thường và giúp tạo ra một môi trường ít nhạy cảm với sự hình thành cục máu đông.
Chất oxymatrine trong hoa hòe thậm chí còn có thể bảo vệ và cải thiện chức năng của tim. Ngoài ra, hoa còn có tác dụng phòng ngừa trường hợp vữa xơ động mạch và làm hạ huyết áp cho người bị cao huyết áp.
3. Hoa hòe giúp ngủ ngon
*** Mất ngủ là căn bệnh phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Bạn có thể bị mất ngủ vì rất nhiều nguyên nhân như làm việc căng thẳng, uống nhiều cà phê, hút thuốc lá, ngủ ngày nhiều, ngủ không sâu giấc… Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, hoa hòe có tính mát, thanh nhiệt, lương huyết an thần và giúp dễ đi vào giấc ngủ hơn. Cách sử dụng hoa hòe để cải thiện giấc ngủ là phương pháp phổ biến và đã được nhiều người áp dụng thành công.
Công dụng của trà hoa hòe là thanh nhiệt lương huyết, tức chữa các chứng bệnh do huyết nhiệt, máu nóng gây ra. Vì vậy giúp người bị mất ngủ khi uống trà hoa này sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
4. Hoa hòe giúp trị cao huyết áp
*** Rutin là hợp chất Glycosid thuộc nhóm Flavonoid Aglycon được chiết xuất từ hoa hòe, là một loại vitamin P có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch, làm bền thành mạch. Cơ thể thiếu vitamin P dẫn đến tính chất chịu đựng của thành mao mạch có thể bị giảm, mao mạch dễ bị đứt, vỡ. Do đó, người ta thường dùng hoa hòe để giảm huyết áp và phòng các biến chứng của huyết áp cao như: xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não.
Hoạt chất rutin có trong hoa thường dùng cho bệnh nhân mắc cao huyết áp mà mao mạch dễ vỡ, đứt, để đề phòng đứt mạch máu ở não.
5. Hoa hòe chữa các bệnh xuất huyết
*** Chất rutin chiếm 34% hàm lượng trong hoa mang tới tác dụng giảm tính thẩm thấu các mao mạch và tăng cường độ bền các mao mạch, từ đó giúp cầm máu hiệu quả trong các trường hợp trĩ ra máu, chảy máu cam và đại tiện ra máu. Do đó, loài dược liệu này có thể được dùng để chữa các bệnh như chảy máu cam, rong kinh, băng huyết, huyết áp tăng… Hoa hòe có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, nếu sao hoa hòe thành than thì tác dụng càng tăng.
Trong y học dân gian, hoa hòe được dùng chủ yếu làm thuốc cầm máu trong các bệnh ho ra máu, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu, ruột chảy máu.
6. Hoa hòe hỗ trợ giảm cân
*** Ngoài tác dụng hạ huyết áp, hoa hòe còn có thể giúp bạn giảm cân an toàn. Loại dược liệu này góp phần làm giảm lượng mỡ trong máu, kiểm soát sự trao đổi chất, loại bỏ bớt độc tố đồng thời giúp làm giảm hiện tượng bám dính của chất béo trong mô gan. Nhờ đó, thói quen uống hoa hòe cũng góp phần điều chỉnh trọng lượng cơ thể và giúp giảm béo phì.
Để giảm cân một cách an toàn thì bạn cũng cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt, tập luyện thể thao hợp lý để đốt cháy mỡ thừa hiệu quả.
7. Hoa hòe giúp trị viêm khớp
*** Theo nhiều nghiên cứu hiện đại thì nhờ tác dụng chống viêm mạnh, trên thực nghiệm cho thấy hoạt chất trong hoa hòe có tác dụng làm giảm sưng và viêm trên mô hình động vật như chuột và trên bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính.
Bên cạnh hoa hòe, người bệnh cần phải kết hợp với các liệu pháp khác như châm cứu các huyệt lân cận khớp bị sưng, có chế độ tập luyện ngay khi giảm bớt viêm khớp, tăng cường bổ sung các vitamin nhóm B và C.
Trên thị trường dược phẩm hiện nay có nhiều loại thuốc từ hoa hòe với những tên gọi như vitamin P, rutin, troxerutin, rutosid, rutinoside, rutin C… dạng viên nang, chiết xuất, viên nén và nhiều dạng khác nữa. Tuy nhiên, khi sử dụng ở dạng thực phẩm chức năng thì bạn nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc chuyên khoa.
Cách pha trà hoa hòe
* Trà hoa hòe được biết đến như một loại thuốc chữa trị các thứ bệnh tim mạch, huyết áp, giúp cơ thể thư giãn và ngủ ngon hơn. Cách pha trà cũng khá đơn giản, bạn hoàn toàn có thể học cách pha cho cả gia đình sử dụng.
Nguyên liệu
- Khoảng 20 – 30g hoa hòe khô.
Cách pha
- Bạn cho hoa vào ấm trà. Nếu được thì bạn nên sử dụng các loại ấm sứ hoặc gốm chuyên dụng trong pha trà truyền thống. Nếu không đủ dụng cụ, bạn có thể sử dụng bình uống nước bằng thủy tinh.
- Dùng nước đã đun nóng khoảng 90 – 95°C để pha. Bạn nhớ đầu tiên tráng qua bằng nước sôi cho ấm nóng, sạch bụi bẩn từ hoa rồi sau đó đổ nước tráng đi.
- Sau đó bạn rót nước vừa đun sôi vào với lượng nước khoảng 300ml tức là 10g hoa hòe tương đương 100ml nước. Sau 5 – 7 phút thì nụ hòe đã ngấm dần nước sẽ bị chìm lắng xuống dưới, bạn có thể rót trà ra thưởng thức được rồi. Nếu nụ hòe chưa chìm xuống là do bạn dùng nước chưa thật sôi.
- Ngoài ra, bạn cũng có thể cho hoa hòe vào ấm sau đó bạn đổ nước và đun sôi trong thời gian khoảng từ 1 – 2 phút. Lưu ý rằng khi uống hết nước trà pha lần thứ nhất thì trà tan ra chiết xuất khoảng 55%, pha lần thứ hai khoảng 30%, lần thứ ba còn khoảng 10% hương vị trà. Vì thế, mỗi lần dùng trà bạn phải pha 3 – 4 lần nước sôi mới tận dụng được hết hương vị.
Lượng hoa mà bạn pha trà có thể tự điều chỉnh cho thích hợp. Nếu bạn cho quá nhiều thì trà sẽ có màu sẫm và vị hơi đắng. Nếu bạn cho quá ít thì trà sẽ có màu vàng nhạt và vị ngọt nhẹ. Bạn cho lượng vừa phải thì trà có màu vàng, vị ngọt mát rất dễ uống.
Lưu ý khi sử dụng trà hoa hòe
*** Mặc dù trà hoa hòe vừa tốt cho sức khỏe lại có công dụng trị bệnh nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng loại trà thơm ngon này. Có một số lưu ý bạn cần ghi nhớ khi sử dụng hoa hòe để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Đối tượng không nên dùng hoa hòe
*** Loại hoa này có tính hơi lạnh nên những người hay đau bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện phân lỏng, người bị thiếu máu không nên dùng. Nếu cần sử dụng trà hoa hòe thì phải do thầy thuốc chỉ định và có sự phối hợp với các dược liệu có tính ấm nóng. Ngoài ra, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú đều không được tự ý sử dụng.
Không chỉ vậy, bởi vì hoa hòe có tác dụng rất tốt trong điều trị cao huyết áp, giúp hạ áp nhanh chóng nên sẽ rất có hại cho những người cơ địa huyết áp thấp vì dễ gây choáng và chóng mặt cho người dùng.
Không nên lạm dụng hoa hòe quá mức
*** Nụ hoa hòe hoàn toàn không có độc tính, tác dụng phụ nếu có cũng không đáng kể với phân lượng thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, chính vì nụ hoa hòe hoàn toàn lành tính và có tác dụng tốt nên nhiều người bệnh có tâm lý lạm dụng quá mức dẫn đến gây hại cho cơ thể.
Ví dụ, hoa hòe có tác dụng chữa tiêu chảy, đi ngoài ra máu, tuy nhiên lại là thảo dược có tính hàn. Nếu bạn dùng quá liều lượng thì không những không chữa được bệnh mà còn khiến chứng tiêu chảy có thể bị trầm trọng thêm.
Tránh sử dụng hoa hòe kém chất lượng
*** Bạn có thể sử dụng phải nụ hoa hòe kém chất lượng do mua nhầm nhà sản xuất làm giả nụ hoa hòe, quy trình chế biến không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh hay nụ hoa hòe để lâu đã bị biến chất. Sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu khi dùng phải những sản phẩm như vậy.
Hoa hòe có thể tương tác với một số loại thuốc
*** Hoa hòe có thể tương tác với một số loại thuốc Tây hoặc bất cứ loại thảo dược hay thực phẩm bạn sử dụng. Tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng của dược liệu này. Vì vậy, hãy thận trọng thông báo cho thầy thuốc biết tất cả những loại thuốc bạn đang dùng. Điều đó bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc có nguồn gốc từ thảo dược.
Không chỉ đẹp mà hoa hòe còn là một trong những dược liệu hàng đầu trong y học cổ truyền Việt Nam, rất có lợi cho hệ thống tuần hoàn, giúp tăng cường sức khỏe tĩnh mạch tối ưu.