Hóa Đơn Giá Trị Gia Tăng Xuất Sai Thời Điểm Bị Phạt Bao Nhiêu Tiền

0
2411
xuat sai hoa don gtgt bi phat bao nhieu tien
Hóa Đơn Giá Trị Gia Tăng Xuất Sai Thời Điểm Bị Phạt Bao Nhiêu Tiền

Mức phạt khi hóa đơn giá trị gia tăng sai thời điểm

***  Khi cung ứng hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho các đối tác, doanh nghiệp cần phải xuất hóa đơn và sử dụng hóa đơn để ghi nhận doanh thu của công ty. Nhiều kế toán quan niệm việc khi nào khách hàng thanh toán thì doanh nghiệp mới xuất hóa đơn trả khách hàng. Việc làm như vậy là không đúng với quy định của pháp luật, sẽ rất dễ khiến cho doanh nghiệp bị phạt.

Vậy khi gặp phải các trường hợp xuất hóa đơn sai thời điểm thì sẽ bị phạt bao nhiêu. Đó là câu hỏi mà nhiều bạn kế toán thắc mắc, bạn sẽ có câu trả lời sau khi đọc song bài viết này.

Thực tế hoạt động của doanh nghiệp và các ví dụ cụ thể

*  Về việc quy định mức phạt thì Bộ tài chính đã có quy định cụ thể tại Thông tư 10/2014/TT-BTC. Theo đó, hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000. Tất nhiên, trong một số trường hợp thì mức phạt cũng khác nhau.

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, có thể chỉ ra một số tình huống liên quan đến thời điểm và thời kỳ lập hóa đơn tài chính mà các doanh nghiệp vi phạm. Để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định của Bộ Tài chính, bài viết sẽ đề cập đến các trường hợp thực tế như sau:

a. Trường hợp thứ nhất

*  Doanh nghiệp xuất kho giao hàng (sản phẩm hữu hình) ngày 10/10/2019 nhưng đến ngày 12/10/2019 hoặc ngày 15/10/2019 bên bán mới lập hóa đơn tài chính giao cho bên mua. Vi phạm này bị xử phạt theo Điểm a Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 10/2014/TT-BTC cụ thể như sau:

  • Phạt cảnh cáo nếu sự việc dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ thì phạt tiền ở mức tối thiểu của khung hình phạt là 4 triệu đồng;
  • Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi khác lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định.

b. Trường hợp thứ hai

Doanh nghiệp xuất kho giao hàng nhiều lần ở tháng 5/2019 và cuối tháng 5/2019 mới lập hóa đơn GTGT cho người mua. Trường hợp này quy về xuất hóa đơn khống vì theo Điểm a Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC thì: Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao theo từng hạng mục, công đoạn khác nhau của dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho giá trị hàng hóa, khối lượng, dịch vụ được giao tương ứng.

c. Trường hợp thứ ba

Doanh nghiệp bán hàng thống nhất với bên mua là giao hàng cho đến khi nào hết hàng (lô hàng lớn hàng nghìn tấn hàng) thì hai bên nghiệm thu và bên bán lập hóa đơn một lần vì bên mua không đồng ý lấy nhiều hóa đơn. Lúc này sẽ xảy ra các trường hợp:

  • Bên bán giao hết hàng cho bên mua và cuối tháng đó xuất hóa đơn thì xử phạt từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
  • Bên bán giao hết hàng cho bên mua và sang tháng sau mới xuất hóa đơn (lệch tháng): Bên bán bị xử phạt về hành vi kê khai, nộp thuế chậm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC và Thông tư số 26/2015/TT-BTC.
  • Bên bán giao hết hàng cho bên mua và sang năm sau mới xuất hóa đơn (lệch năm) ví dụ bên bán giao hàng từ năm 2018 sang năm 2019 bên bán mới xuất hóa đơn thì phần hàng giao năm 2018 không xuất hóa đơn để kê khai, nộp thuế bị xử phạt như sau:
  1. Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo Điểm d Khoản 4 Điều 11 Thông tư số 10/2014/TT-BTC đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên.
  2. Xử phạt về hành vi kê khai man, trốn thuế GTGT và thuế TNDN của năm trước đó theo Luật số 106/2016/QH13 (truy thu một lần số thuế trốn, phạt chậm nộp 0,03%/1 ngày chậm nộp và phạt bổ sung từ 20% – 300% số thuế trốn đó).

d. Trường hợp thứ tư

Bên bán lập hóa đơn trước cho bên mua để bên mua về làm các thủ tục giải ngân (thanh toán) còn hàng thì giao vào tháng sau. Đây là hóa đơn khống, bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo Khoản 5 và Khoản 6 Điều 11 Thông tư số 10/2014/TT-BTC đối với hành vi lập hóa đơn khống (hóa đơn bất hợp pháp) và phải hủy hóa đơn.

e Trường hợp thứ năm

  • Bên bán giao hàng cho bên mua vào ngày 31/12 của năm trước, lập hóa đơn vào ngày bên mua trả tiền (bên mua thanh toán chậm sang ngày 03/01 năm sau). Xuất hóa đơn chậm nhưng lệch năm, bị quy về khai man, trốn thuế, xử phạt như trường hợp 3 tình huống thứ 3.

f. Trường hợp thứ sáu

Bên bán cung cấp dịch vụ và thu tiền:

  • Khi dịch vụ hoàn thành thì bên bán chưa lập hóa đơn tài chính mà khi nào bên mua thanh toán trả nợ cho bên bán, bên bán lúc đó mới lập hóa đơn tài chính gửi cho bên mua: Hóa đơn lập sai thời điểm, bên bán bị phạt từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
  • Khi dịch vụ hoàn thành thì bên bán đợi cuối tháng mới lập hóa đơn tài chính gửi bên mua: Hóa đơn lập sai thời điểm.
  • Khi dịch vụ chưa hoàn thành mà bên mua dịch vụ thanh toán trước thì bên bán dịch vụ chưa phải lập hóa đơn tài chính gửi cho bên mua: Bên bán phải lập hóa đơn tài chính gửi bên mua vì theo Điểm a Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 39/2014/TT-BTC: “Phải lập hóa đơn khi thu tiền: Dịch vụ chưa hoàn thành (ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền) đối với thanh toán trước, lập hóa đơn khi dịch vụ hoàn thành (ngày lập hóa đơn là ngày dịch vụ hoàn thành) đối với thanh toán sau”.

Đặc biệt với 4 nhóm hàng được lập hóa đơn theo tháng là điện, nước, viễn thông, truyền hình; khi dịch vụ hoàn thành thì bên bán mới lập ngay hóa đơn tài chính gửi bên mua; khi dịch vụ chưa hoàn thành mà bên mua dịch vụ thanh toán trước thì bên bán dịch vụ lập hóa đơn tài chính gửi cho bên mua với giá trị tương ứng với số tiền đã thanh toán… Đây là cách lập hóa đơn tài chính đúng thời điểm mà không bị pháp luật xử phạt.

Hi vọng các bạn đã có thêm những thông tin hữu ích. Chúc các bạn thành công

Xem thêm: